Đèn LED downlight hay còn gọi là đèn LED âm trần đang là sản phẩm chiếu sáng hết sức phổ biến. Ngoài vấn đề về chiếu sáng, đèn LED âm trần còn có thêm nhiệm vụ hết sức quan trọng là trang trí. Do đó thật không dễ dàng để có thể lựa chọn và sử dụng đèn Downlight led một cách khoa học và hiệu quả.
- Công suất và kích thước của đèn: Theo thói quen sử dụng, thông thường đèn LED downlight sử dụng trong gia đình phổ thông nhất là 5w, 6w, 7W. Kích thước khoét lỗ từ 90mm đến 100mm, tùy từng kiểu đèn. Sở dĩ mức công suất và kích thước này phổ thông là vì dễ bố trí đèn, kích thước vừa phải và phù hợp với thẩm mỹ của đại đa số người sử dụng. Tuy nhiên tùy theo mục đích sử dụng và không gian cụ thể, hoàn toàn có thể sử dụng các loại đèn có công suất nhỏ hơn hoặc lớn hơn để đạt được tính năng chiếu sáng cần thiết.
- Màu sắc ánh sáng: Màu sắc ánh sáng ảnh hưởng rất lớn đến không khí bên trong không gian sử dụng. Nó phản ánh phong cách của chủ nhân, cũng như tác động đến màu sắc của các nội thất bên trong. Đại đa số người dân theo thói quen thường sử dụng ánh sáng trắng. Tuy nhiên gần đây, xu hướng sử dụng ánh sáng vàng đang dần được chú ý. Chúng tôi thường khuyên khách hàng lựa chọn ánh sáng trắng cho không gian làm việc hoặc không gian chung, cần sự tỉnh táo mát mẻ. Còn lựa chọn ánh sáng vàng để tạo phong cách riêng, hoặc để chiếu điểm. Cũng có thể kết hợp cả hai loại ánh sáng trong cùng một không gian để tạo những điểm nhấn riêng biệt.
- Chỉ số hoàn màu: Chỉ số hoàn màu là chỉ số đánh giá mức độ trung thực của ánh sáng, chỉ số hoàn màu càng cao thì mức độ trung thực càng cao, đèn đó càng tốt. Rất khó để cảm nhận được chỉ số hoàn màu cao hay thấp bằng mắt thường, nhất là khi bạn chỉ nhìn duy nhất một loại đèn, không có chuẩn để so sánh. Cách đơn giản là bạn có thể quan sát màu da của tay mình khi ngoài trời và so sánh với khi để dưới ánh đèn, nếu không có sự sai khác quá nhiều thì có thể đánh giá được đó là đèn có chỉ số hoàn màu tốt, còn nếu màu da trở nên nhợt nhạt hoặc đỏ hơn nhiều thì đó chỉ số hoàn màu thấp. Bạn cũng có thể chọn theo thông số của nhà sản xuất công bố, nhưng cần nhớ rằng chỉ những nhà sản xuất có uy tín mới cung cấp đúng thông số này.
- Góc chiếu của đèn: Tùy thuộc mục đích, vị trí lắp đặt, chiều cao của nhà và khoảng cách lắp đèn cần lựa chọn góc chiếu của đèn một cách hợp lý. Có thể phân thành hai loại cơ bản: Đèn có góc chiếu rộng ( Góc chiếu lớn hơn 120 độ) và đèn có góc chiếu hẹp ( Góc chiếu từ 15 đến 60 độ). Đối với những trần nhà thấp và mục đích chiếu sáng đồng đều, thì cần sử dụng đèn có góc chiếu rộng. Đối với nhà có trần cao, hoặc cần chiếu sáng tập trung thì cần sử dụng đèn có góc chiếu hẹp. Cũng có thể sử dụng phối hợp đèn góc chiếu rộng và góc chiếu hẹp để đạt được những mục đích chiếu sáng cụ thể.
- Tuổi thọ và chất lượng của đèn: Tuổi thọ đèn LED thông thường được các nhà cung cấp đưa ra tối thiểu là 20.000h. Tuy nhiên khó có cơ sở chính xác để xác định được tuổi thọ thực tế của đèn. Khách hàng thường căn cứ thời gian bảo hành để xác định xem tuổi thọ của đèn cao hay thấp. Hiện tại do có nhiều nhà cung cấp làm ăn chộp giật, nên trên thị trường vẫn có những sản phẩm tuổi thọ thấp nhưng cam kết bảo hành lâu. Một thời gian sau nhà cung cấp đó biến mất trên thị trường thì khách hàng không biết bảo hành ở đâu. Do đó khách hàng cần cẩn trọng trong việc xem xét chế độ bảo hành cũng như mức độ uy tín của nhà cung cấp.
- Còn một mẹo nhỏ nữa để kiểm tra chất lượng của đèn đó là bạn có thể sử dụng camera điện thoại để kiểm tra. Nếu khi bạn quay cammera, hình ảnh thu được có những gợn sóng thì đó là do ánh sáng bị rung, điều này chứng tỏ chất lượng bộ nguồn chưa thực sự tốt. Nếu bộ nguồn tốt thì khi quay phim, hình ảnh thu được sẽ không bị rung ( Do dòng điện dao động đã được san phẳng).